Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Hành trình xuyên Việt




Hành trình xuyên Việt – Về miền Trung
Mình sinh ra ở vùng quê bé nhỏ, hẻo lánh ở của miền Trung, từ nhà mình đến quốc lộ Một chạy qua phải đến 15 km . Lũ trẻ bọn mình hồi nhỏ ít đứa được thấy xe lửa mặc dù hàng đêm chúng nghe được tiếng những đoàn tàu xình xịch chạy qua. Có một lần bọn trẻ chúng mình rủ nhau đi bộ xuống cầu Dợi, chỉ một mục đích đơn giản thôi là nhìn thấy được một đoàn xe lửa chạy qua.
Có những gia đình nghèo mà con cái đều hiếu thảo kính yêu cha mẹ, mình yêu quê hương mình đó là một lẽ tự nhiên chân thật trong tâm hồn mỗi con người chúng ta.
Hè năm nay mình quyết định dẫn cu Đức về thăm quê nội ngoại, đó là một hành trình xuyên Việt dài 2000 cây số, đi qua nhiều thành phố và làng mạc. Một chuyến đi dài ngày hao tổn nhiều sức lực. Cuộc hành trình này ba và con mỗi người đem theo ba bộ đồ và một áo lạnh, thuốc trị nhiễm trùng tiêu hóa, thuốc cảm, thuốc trị nhức mỏi, thuốc chống ói khi đi tàu xe, một chai dầu gió và một máy ảnh.
Buổi chiều ba và con đi xe buýt xuống bến xe miền Đông, sau đó đi xe chất lượng cao về Bình Định. Đi xe chất lượng cao được bao ăn và nước uống. Sáng hôm sau thì về đến cầu Dợi, một địa điểm thuộc huyện Hoài Nhơn , Bình Định. Từ cầu Dợi về thị trấn Tăng Bạt Hổ 30 ngàn tiền xe ôm, nhưng hai ba con phải về nhanh Ân Tường để kịp dự đám cưới, tiền xe ôm là 50 ngàn. Xe đi qua thung lũng xung quanh núi là núi, những dãy núi trùng điệp chồng lên nhau. Tôi chỉ tay về một hẻm núi xa nói với cu Đức đó là dôc Bà Bơi, xã Bok Tới , một địa danh đã sinh ra sư đoàn 3 Sao Vàng thiện chiến. Một sư đoàn chủ chốt trong việc phòng thủ tuyến biên giới phía Bắc trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, và đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc anh em, mà đến hôm nay trong những hồi ức chiến tranh từ phía bên họ còn bốc mùi nể sợ. Phần lớn lính của sư đoàn Sao Vàng lúc đó là được tuyển từ vùng đất Bình Định này.
Nhớ lại cậu hai Nghiệp là lính của chế độ Sài Gòn ngượng ngùng ngồi vào hàng ghế danh dự trong ngày lễ quốc khánh vì có con trai hy sinh trong chiến tranh biên giới năm nào mà sao tôi cứ thấy ngùi ngùi.
Thị trấn Tăng Bạt Hổ là thị trấn huyện lỵ của huyện Hoài Ân, Tăng Bạt Hổ là tác giả của phong trào Đông Du mà hai lành tụ đó là nhà yêu nước Phan Bội Châu và hoàng thân Cường Để.Nơi sinh của Tăng Bạt Hổ thuộc làng An Thường, Xã Ân Thạnh , Hoài Ân Bình Định. Hoài Ân cũng là quê hương của tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu.
Có hai thằng bạn mà tôi ghé thăm đầu tiên, một thằng tên là Hòa kỹ sư nông nghiệp làm ở phòng khuyến nông huyện, hắn là một tên thâm trầm ít nói, không phóng khoáng lắm trong việc chi xài. Tên kia là Tân là giáo viên trường cấp hai trường thị trân, trước đây Tân dạy toán ở trường cấp 3 huyện sau đó bị giảm biên chế, mới xin dạy lại bảy tám năm nay. Trong nhà Tân có treo nhiều bằng khen, giấy khen dạy giỏi mà người ký là thằng Lim trưởng phòng giáo dục ,học sau hắn một năm. Tân còn có nghề võ, và là thầy dạy võ nỗi tiếng ở đây.Vợ Tân là con nhà nề nếp. Tân một ông thầy văn võ song toàn và cũng là người có nếm đủ mùi vị dân đen miền cao. Mấy thằng tui rủ nhau đi một chầu thịt cầy Truông Sỏi. ( còn tiếp)
Có một người thầy mà lần nào về quê tôi cũng đều ghé thăm, đó là thầy Cư. Thầy Cư về dạy học ở Hoài Ân từ sau năm 1975. Vườn nhà gia đình thầy ở mặt tiền đường Võ Thị Sáu một địa điểm trung tâm phía nam thành phố Huế mà tôi cũng đã đến trọ nhờ ở đó nhiều lần. Nhiều sinh viên người Hoài Ân suốt những năm theo học đại học ở Huế đều ở nhờ miễn phí ở đây. Thầy cư là người đầu tiên đảm trách đào tạo học sinh giỏi toán cấp 2 ở huyện. Có một dạo thầy cư xin về Huế nhưng phải dạy ở Lăng Cô, tính đi tính lại thầy quyết định ở lại Hoài Ân đến ngày nghỉ hưu. Bề ngoài thầy Cư là một con người tềnh toàng giống như mọi người ở đây, nhưng trong những buổi tiệc tùng thầy vẫn giữ được sự chừng mực nề nếp mà thầy thừa hưởng từ gia đình và quê hương của thầy. Mấy năm trước thầy Cư vừa qua một cơn giải phẩu não hiểm nghèo, đó là ca mỗ não thử nghiệm thành công của bệnh viện trung ương Huế.
Thầy bây giờ không được minh mẫn như xưa. Thầy Cư là người thầy không chỉ đã gắn bó tuổi trẻ và cuộc đời cho vùng đất Hoài Ân nghèo khổ, mà gia đình thầy cũng đã cống hiến cùng với thầy làm những điều bình dị, thầm lặng và thiêng liêng đó.
Chị gái tôi tên là Ngẫu, đó là người chị duy nhất cùng cha mẹ với tôi. Một người anh kế tôi tên là Lương đã bị thương nặng cùng với má tôi trong một trận pháo Ca Nông vào năm 1963 ( pháo có đường kính viên đạn 105 mm ). Các bác sĩ ở nhà thương Qui Nhơn lúc đó đa phần là người Tân Tây Lan nói tiếng Pháp, những người bạn của ba nói rằng ba tôi là người giỏi tiếng Pháp nên đã cứu sống được má tôi. Anh trai tôi hai ngày sau không chống chọi nỗi vết thương nên đã mất. Ông Ngoại đưa anh Lương về chôn ở Đất Lớn, một phần đất bên ngoại mà cha mẹ bà ngoại dành tặng cho ông bà.
Vợ chồng chị gái tôi là chủ của một lò ấp trứng vịt, về mặt tiền bạc chị được coi như một người khá giả ở đây. Có lần tôi tặng chị chai thuốc trị giá gần triệu bạc mà tôi thường mua cho mẹ và vợ, chị tôi kiên quyết không nhận vì sợ tôi tốn tiền. Có lần tôi nhắc nhở chế độ ăn uống của gia đình chị tìm ẩn nhiều bệnh tật, chị đã xẳng giọng. Mấy năm gần đây sức khỏe của vợ chồng chị rất sa sút, bây giờ chị mới biết coi trọng lời khuyên của tôi. Gia đình chị gái tôi có ba người con, vợ chồng đứa con trai đầu cũng theo nghề anh chị và đã ở riêng, đứa con trai thứ hai đang học năm cuối đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, đứa con gái út năm tới sẽ vào học lớp 7. Cha mẹ chồng của chị gái tôi cùng sống với gia đình anh chi, hai bác đã ngoài tám mươi.
Anh trai thứ tư của tôi gọi là Bốn Chấn, anh Bốn mồ côi mẹ cha còn rất sớm. Có một thời gian anh Bốn vào ở với cô Bốn ở Cam Ranh vừa đi học vừa bán cà rem. Một thời gian sau anh Bốn về ở với cô Ba và ông bà Nội . Anh Bốn học đến đệ tam trường Tăng Bạt Hổ, mùa hè đỏ lửa 1972 cách mạng giải phóng anh Bốn tham gia thanh niên xung phong cho đến năm 1975. Anh Bốn vừa bị tai nạn xe máy bị gãy xương vai, mắt anh Bốn thị lực rất kém vì trúng kíp B40 trong tăng gia sản xuất do bộ đội đánh rơi năm 1975.
Dì Sáu chị ruột của má tôi có hai đời chồng, cả hai người chồng đều là những cán bộ tập kết, Người con trai đầu của Dì Sáu hiện ở quê nội Bồng Sơn, gia đình chồng thứ hai của Dì Sáu ở Đồng Tròn, Ân Thạnh. Dượng Sáu thứ hai này gia đình bên ngoại gọi là Sáu Trâm, Sáu Trâm sau khi tập kết là giám đốc của nhà máy cơ khí hiện đại bậc nhất của miền Bắc do Liên Xô viện trợ, Sáu Trâm xung phong vào Nam giữ chức vụ chủ tịch nông hội huyện. Việc phục bắt được Sáu Trâm là một thắng lợi của chính quyền Sài Gòn lúc đó. Sáu Trâm đứng trước một sự lựa chọn là bị tra tấn đến chết hoặc chiêu hồi. Người bạn chiến đấu duy nhất đến thăm Sáu Trâm sau ngày giải phóng là ông Hồ Kỳ Tâm, một cán bộ hàng cấp bộ, là chồng của Dì Ba, Dì Ba là chị ruột của má tôi, nhưng Dượng Ba chỉ đến thăm Sáu Trâm duy nhất có một lần. Lần này tôi về quê cũng là đến thắp cho Dượng Sáu Trâm nén nhang, Dượng Sáu vừa mới mất chưa đầy tháng. Cách nhà Dì Sáu một con sông là quê ngoại, phía sau hàng dừa bên kia sông là nhà tôi, dưới những tán dừa xanh bình yên kia có một nấm mộ nhỏ là mộ của anh trai tôi, tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra .
Dì Ba tôi lấy chồng ở An Thường, cánh nhà ngoại tôi một con sông, cha chồng Dì Ba hồi chín năm là chủ tịch xã Ân Thạnh, cha chồng và bốn người em chồng của Dì Ba là liệt sĩ. Có lẽ vì gia đình có quá nhiều người liệt sĩ nên người ta đã giữ dượng ba lại hậu phương miền Bắc nên mới còn sống đến sau này. Sau ngày tập kết vì bị liệt vào danh sách gia đình Việt Cộng nguy hiểm nên Dì Ba phải đưa mẹ chồng và ba người con về nương nhờ bên ngoại. Ông Ngoại làm cho gia đình Gì Ba ngôi nhà có đủ ba gian, nhà trên, nhà giửa và nhà bếp, nhưng qui mô thì nhỏ hơn nhà ngoại.
Mẹ chồng Gì Ba sau một thời gian bệnh nặng rồi mất. Dì Ba có ba người con, người con đầu của Dì Ba là chị Ba Dấn, người chồng đầu tiên của chị Ba ở ngoài chợ huyện, hai người có một đứa con gái, năm 1972 gia đình chồng chị chạy vào vùng quốc gia, chị Ba Dấn và con gái ở lại vùng giải phóng. Đứa con gái bị sốt rét đã mất vài năm sau đó. Chị ba có một đứa con hoang, người ta nói đó là con bộ đội, có lần chị Ba bị má tôi gặn hỏi, chị Ba nói rằng: Mấy người đó đi đánh ở Núi Chéo chết hết rồi. Cu Dấn con chị ba khôi ngô và khỏe mạnh và được hưởng phần đất mà bên ngoại dành cho ông bà ngoại. Cu Dấn thật sự là con liệt sĩ và sinh ra trong một gia đình kháng chiến, nhìn tướng mạo rất Bắc Kỳ nhưng không được hưởng một quyền lợi gì liên quan đến thân phận ra đời của mình. Chả bù cho các bà me Mỹ cứ đẻ ra các đứa con da đen, mũi lõ, tóc quăn thì thuộc diện con lai tuốt. Cu Dấn chưa được mười tuổi thì chị Ba bị bệnh thương hàn rồi mất.
Ở quê tôi có nhiều người có chồng tập kết hoặc nhảy núi hy sinh đời nảo đời nào, bà vợ ở nhà buồn tình cho đại mấy thằng cha xỏ lá, đứa con sau này đều hợp thức hóa là con liệt sĩ đó sao. Với lại đây là chuyện tế nhị và nhân đạo nữa mà.
Người con gái lớn thứ hai của Dì Ba là chị Bốn Xí, chi Bốn có ba người con có ba người cha khác nhau. Một lần vào sau khi ký hiệp định Pari 1973 chị Bốn từ vùng giải phóng vào vùng quốc gia tìm chồng, sau đó chị bốn bỏ về vùng giải phóng vì chồng chị đã có vợ khác. Đó là nguyên nhân dở dang của đời chị.
Người con trai út của Dì Ba là anh Năm Sơn, có lần anh Năm ra nhà tôi ngoài chợ huyện chở tôi về ngoại ăn giỗ bằng xe Honda 67 . Đó cũng là lần đầu tiên tôi được đi xe máy, cái cảm giác vui sướng mà bây giờ tôi cũng không quên. Năm 1972 anh Năm Sơn được tuyển làm an ninh huyện rồi chuyển lên an ninh tỉnh. Một lần anh Năm ghé thăm nhà tôi thấy anh đeo AK và tay mang băng đỏ. Trông anh nghiêm nghị và không còn vui vẻ như ngày xưa nữa. Nhiệm vụ thời gian đầu của anh Năm Sơn là canh giữ dẫn tù binh và những người cải tạo. Năm 1972 trong vùng giải phóng thuộc hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn người ta ra lệnh bắt tập trung cải tạo những người đàn ông từ trung niên trở lên được coi là những thành phần trung gian, địa chủ, phú nông , trung nông. Ông Ngoại tôi cũng bị bắt trong chiến dịch thanh trừng đó mặc dù lúc đó ông đã 73 tuổi. Anh Năm Sơn lại là người trực tiếp dẫn ông ngoại của mình đi cõng lương thực. Không thể làm một con người sắt đá, Năm Sơn nhường phần ăn và đổi đôi dép cao su của mình cho ông Ngoại. Năm Sơn bị phê bình gắt gao rồi bị đưa sang bộ đội chủ lực. Năm Sơn đánh trận lớn ở Phù Mỹ , bị thương nặng và bị bắt làm tù binh.
Ngoại tôi và rất nhiều người khác vì tổi già sức yếu, bị hành hạ trong điều kiện thiếu thốn nên đã chết vài tháng sau đó. Dượng Ba, cha của Năm Sơn, một cán bộ cao cấp sau này nói rằng những kẻ gây ra những tội ác đó là tội phạm chiến tranh, nhưng ông vẫn không làm gì hơn được. Cải cách ruộng đất năm 1953 cách mạng đã gây ra những tội ác to lớn đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam, đó là trong những nguyên nhân sâu xa gây chia rẽ trong hàng ngũ kháng chiến và kéo dài chiến tranh hơn hai mươi năm sau đó. Năm 1972 cách mạng cũng đã gây ra một tội ác ở một vùng đất đã từng là trung tâm kháng chiến hồi chín năm, một vùng đất đã cống hiến nhiều xương máu và tài sản cho kháng chiến. .( Còn tiếp )

Không có nhận xét nào: